Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng sạch

Tùng Anh - 21:51, 19/06/2020

TheLEADERTrong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mỗi năm. Trong khi các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện... đã được khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển thì năng lượng sạch được nhận định sẽ là xu thế và đóng vai trò then chốt.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng sạch
Năng lượng tái tạo đang lên ngôi

Ở Việt Nam, nhu cầu điện năng đã không ngừng tăng lên trong suốt hơn một thập kỷ qua với mức tăng trưởng trung bình 9,5% mỗi năm. Bộ Công thương cho biết, riêng năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên dự báo nhu cầu tăng trưởng ở mức 6,5%. 

Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5 - 9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000 - 14.000 MW trong khi hiện nay mới có 6.000 MW/năm. 

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 96.000 MW. Nghĩa là, trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6.000 MW mỗi năm. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, mặc dù quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường đã phải trì hoãn, hoặc không được xây dựng, hoặc chậm tiến độ. Trong bối cảnh đó, đáp ứng nhu cầu năng lượng, thời gian qua, việc phát triển năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã được đẩy mạnh.

Việt Nam là đất nước chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, lại có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo phong phú trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống trong nước ngày càng cạn kiệt. Lúc này, việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc giảm sử dụng than nhập khẩu, góp phần giảm phát khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tuy nhiên tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020, ông Vượng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Muốn vừa phát triển nhanh và mạnh, vừa phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện là một thách thức rất lớn.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" để phát triển năng lượng sạch
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhìn nhận, sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng tái tạo đã đặt ra những thách thức mới về việc phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện cùng nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan khác.

Do đó, ông Dũng cho rằng cần khuyến khích phát triển các dạng năng lượng tái tạo có thời gian xây dựng nhanh, phát triển lưới điện đồng bộ để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo; bổ sung nguồn điện sử dụng nhiên liệu sạch để đa dạng hóa loại hình nguồn điện, thay thế nguồn điện than tại khu vực khó phát triển; tăng cường công suất nhập khẩu từ các nước láng giềng như Lào và Trung Quốc; phát triển hạ tầng năng lượng,…

Trong Quy hoạch Điện VIII, cần xác định cụ thể các dự án điện năng lượng tái tạo về quy mô công suất, sản lượng trung bình/năm, địa điểm, khối lượng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và tiến độ xây dựng để tính toán cân bằng công suất, điện năng, chế độ làm việc...

Các chuyên gia về năng lượng đề xuất, trong phát triển năng lượng tái tạo cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn Biomass vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. 

Đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Đối với điện mặt trời, cần quan tâm khuyển khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi tư nhân tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tăng tính cạnh tranh. 

Tuy nhiên, để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử. Và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dụng Trung Nam cho rằng, chính sách của Chính phủ đối với điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn hiện nay rất thoáng cho việc phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức. 

Chẳng hạn, chính sách của Chính phủ trong giai đoạn sau cũng có nhiều thay đổi làm cho các nhà đầu tư phải điều chỉnh lại. Việc sử đụng đất đai cho điện mặt trời hiện rất lớn. 

Ngoài ra, đối với điện gió mặc dù đã đầu tư nhiều nhưng hiện còn rất khó khăn do thiết bị toàn bộ phải nhập ngoại. Tất cả thiết bị lắp đặt và xây dựng cho điện gió đòi hỏi những thiết bị siêu trường, siêu trọng, những xe đặc chủng mới làm nổi trong khi thị trường Việt Nam còn rất hạn chế trong vấn đề này.

Doanh nhân này cho biết, sau khi thay đổi công nghệ và nâng công suất sản xuất điện, giá mua điện lại giảm mạnh, trong khi toàn bộ thiết bị phải nhập khẩu. Nếu giá điện gió xuống nữa, chắc chắn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, bởi đầu tư thiết bị rất tốn kém, thị trường các thiết bị lắp đặt còn hạn hẹp.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ xây dựng cơ chế có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời. Cơ chế cạnh tranh và công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có năng lực để triển khai các dự án được hiệu quả. Từ đó, có cơ sở để đưa ra mức giá hấp dẫn hơn.

Để thu hút được đầu tư, ngoài sự ổn định của chính sách, ông Nguyễn Hải Vinh, phó tổng giám đốc Công ty năng lượng tái tạo BIM cho rằng, cần có chính sách đột phá mới thu hút được vốn đầu tư. Chính sách đấu giá cũng cần cụ thể, rõ ràng, không nên để nhà cung cấp nước ngoài lợi dụng để làm khó nhà đầu tư trong nước.