‘Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số’

Nhật Hạ - 14:23, 09/08/2022

TheLEADERNhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Đồng thời thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số và công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin, Thủ tướng nhận định.

Những bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số quốc gia được xác định là một nhiệm vụ rất quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, gắn với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Hiện hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết cấp ủy, kế hoạch 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số, ban chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ các bộ, ngành, địa phương đều đã thành lập và đi vào hoạt động.

Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số đang được đẩy mạnh.

Chính phủ đã ban hành 8 văn bản quan trọng về chuyển đổi số (6 quyết định, 1 chỉ thị, 1 nghị định), trong đó phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định nửa đầu năm nay tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Bộ Công an đang từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM...

41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với cuối năm ngoái, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ) và QRCode (tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị).

Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong năm 2022 đã sớm đặt được như 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; doanh thu thương mại điện tử chiến 11,3% trong tổng mức bán lẻ, vượt mục tiêu đề ra là 7%; 66% người dân từ 15 tuổi có tài khoản thành toán (mục tiêu đề ra là 65%).

Các điểm nghẽn trong chuyển đổi số

Tuy nhiên, song song với những bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiều lãnh đạo các cấp vẫn chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.

‘Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số’ 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 8/8. Ảnh: Nhật Bắc

Bên cạnh đó, thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được xây dựng còn chậm. Tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng nhưng vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hình thành một hệ thống thông suốt.

Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất.

An toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 8/8, Thủ tướng đã chỉ ra thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương chưa toàn diện, kịp thời; chưa đo lường, định lượng những chỉ tiêu đề ra, cũng như xử lý các vướng mắc.

Bên cạnh đó, thiếu công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tránh tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho người dân.

Việc chuyển đổi số cần được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

Theo Thủ tướng, "phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp".

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các cơ quan nhà nước truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phòng trào chuyển đổi số. Rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.