Việt Nam có mức độ căng thẳng nguồn nước thấp nhưng nguy cơ lớn

Đức Anh - 16:53, 06/08/2019

TheLEADERTỷ lệ nước rút đi bởi các hoạt động sử dụng nước tại Việt Nam hiện dưới 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang chịu áp lực bởi nhu cầu sử dụng nước phục vụ tăng trưởng kinh tế cũng như từ những tác động của biến đổi khí hậu.

Việt Nam có mức độ căng thẳng nguồn nước thấp nhưng nguy cơ lớn
Căng thẳng về nước tại Việt Nam được ghi nhận ở một số vùng và theo mùa với sự bất cân đối giữa cung và cầu.

Theo Bản đồ Rủi ro Nguồn nước Aqueduct (Aqueduct Water Risk Atlas) của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) mới công bố, Việt Nam được xếp hạng ở nhóm nước có mức độ căng thẳng nguồn nước thấp (dưới 10%).

Căng thẳng nguồn nước là chỉ số đo lường tỷ lệ lượng nước rút đi bởi các hoạt động như công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng thường xuyên trong tổng lượng nước trên bề mặt và nước ngầm trung bình mỗi năm.

Giá trị cao hơn đồng nghĩa với sự cạnh tranh nhiều hơn giữa những người dùng.

Trong báo cáo “Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết trình trạng căng thẳng về nước tại Việt Nam được ghi nhận ở một số vùng và theo mùa với sự bất cân đối giữa cung và cầu.

Trong những năm tới, những căng thẳng này có xu hướng gia tăng nếu không có hành động can thiệp kịp thời.

Việc tiếp tục mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong điều kiện gia tăng áp lực lên tài nguyên nước sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước, làm gia tăng nhiều đánh đổi, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ hơn cách thức mà tài nguyên nước được quản lý và phân bổ.

Khoảng 90% lượng nước khai thác trên phạm vi cả nước là để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.

Ngày nay, do nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp, đô thị, giao thông thủy và các nhu cầu sử dụng nước giá trị cao khác ngày càng tăng dẫn tới nguy cơ cạnh tranh sử dụng nước càng lớn trong khi chưa thể giải quyết một cách dễ dàng thông qua thể chế quản lý tài nguyên nước hiện tại.

Bên cạnh đó, chất lượng nước bị suy giảm và lượng ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

Theo World Bank, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn.

Sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, kết hợp với các mối đe dọa do tác động của biến đổi khí hậu, đã tạo ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt là lũ lụt, ô nhiễm ngày càng gia tăng và cạnh tranh giữa các ngành sử dụng nước trong mùa khô.

Nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa.

Bản đồ Aqueduct của WRI chỉ ra rằng 17 quốc gia với 1/4 dân số thế giới đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao.

Tại nhóm nước này, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và đô thị ở những nước đó đang ngốn tới 80% lượng nước trên bề mặt và nước ngầm trung bình mỗi năm.

Khi cầu vượt cung thì ngay cả những cú sốc thiếu nước ở quy mô nhỏ - sẽ ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu - cũng có thể tạo ra những hậu quả thảm khốc.

TS. Andrew Steer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WRI, cho biết: “Căng thẳng về nguồn nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai nhắc tới. Hậu quả của nó có thể nhìn thấy rõ ràng như mất an ninh lương thực, xung đột và di cư, sự bất ổn về tài chính”.