Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Australia

Hoàng Đông - 09:36, 18/04/2023

TheLEADERTheo đánh giá của nhiều tập đoàn lớn đến từ Australia, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam là điểm đến sáng giá để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Australia
Việt Nam là thị trường đầu tư nước ngoài lớn nhất của RMIT.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2000, tính đến nay, RMIT đã có 3 cơ sở tại Việt Nam, bao gồm cơ sở Nam Sài Gòn, cơ sở tại Hà Nội và Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng. Với hơn 12 nghìn sinh viên và 20 nghìn cựu sinh viên, RMIT khẳng định vị thế là trường đại học quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, đem đến cơ hội cho sinh viên trải nghiệm môi trường giáo dục, trải nghiệm học tập quốc tế ngay trên đất nước mình. RMIT cũng là dự án đầu tư lớn nhất của Australia vào Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ, giáo dục.

Ông Alec Cameron, Phó chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam, cho biết, trong những năm vừa qua, RMIT đã mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam là thị trường được RMIT lựa chọn đầu tư lớn nhất.

Lý giải về điều này, theo ông Cameron, RMIT nhìn được cơ hội đóng góp cho chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi thị trường và lao động trong nhiều lĩnh vực. Với tiềm lực con người của Việt Nam, RMIT kỳ vọng có thể đưa RMIT Việt Nam trở thành trung tâm giáo dục quốc tế hàng đầu trong khu vực.

Đầu tư tại Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời!

Mavin, tiền thân là Austfeed, cũng là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam đến từ Australia. Thành lập một nhà máy thức ăn chăn nuôi nhỏ tại miền Bắc từ năm 2004, hiện nay, Mavin Việt Nam đã tạo ra được một chuỗi giá trị khép kín từ nông trại đến bàn ăn, với mạng lưới 5 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, hàng trăm trang trại chăn nuôi, 2 dây chuyển sản xuất thuốc thú y và 1 nhà máy chế biến thực phẩm.

Ông David Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất khu vực ASEAN, với dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới và mở rộng cơ sở khách hàng. Vị trí đại lý nằm ở “ngã tư” Đông Nam Á, nhiều hiệp định tự do thương mại, giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Việt Nam có thêm nhiều cơ hội giao thương rộng rãi.

Mặt khác, chi phí sản xuất thấp và có nhiều ưu đãi đầu tư cũng là yếu tố biến Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn cho các ngành gia công, sản xuất.

Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ dựa vào lợi thế “sơ khai” như vậy. Lãnh đạo Tập đoàn Mavin đánh giá cao tốc độ chuyển đổi số, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Theo ông Whitehead, với quy mô kinh tế số tăng trưởng cao, người tiêu dùng am hiểu công nghệ, Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp muốn tận dụng chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển và đổi mới.

"Đầu tư tại Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời", ông Whitehead nhấn mạnh.

Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Australia
Lợi thế của Việt Nam theo đánh giá quốc tế.

Từ phía một nhà đầu tư đang tìm hiểu thị trường, ông Pratyush Thakur, Giám đốc đầu tư Blueleaf Energy, Tập đoàn Macquarie, với sứ mệnh cung cấp năng lực để phát triển, tài trợ, sở hữu và vận hành các dự án năng lượng tái tạo trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Thakur, với nhu cầu năng lượng tăng nhanh và quyết tâm chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0, Việt Nam sẽ là một thị trường lớn đầy hấp dẫn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trao đổi với các nhà đầu tư Australia tại Diễn đàn Đầu tư Australia – Việt Nam, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết, quốc tế dành nhiều đánh giá tích cực cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, với mức tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, xếp top đầu thế giới về đà phục hồi hậu Covid-19.

Bản thân Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp những điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư quốc tế, bao gồm quỹ đất, hạ tầng khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; năng lượng; phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng khung pháp luật thuận lợi và thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Chung cho biết, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng ổn định vĩ mô, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phòng chống hiệu quả Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, lao động, giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng trọng yếu, đồng thời cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng và minh bạch.

Khẳng định là điểm đến ổn định và tiềm năng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài, trong dài hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao tư duy, thống nhất nhận thức, hành động về đầu tư nước ngoài; tăng cường ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặt khác, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình và phương thức xúc tiến kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.