Việt Nam vào top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới

Phạm Sơn - 17:39, 16/07/2021

TheLEADERTrong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy giảm, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 20 những nền kinh tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới năm 2020, tăng 5 hạng so với năm 2019.

Việt Nam vào top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới
Việt Nam đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất năm 2020. Ảnh: Báo Đầu tư.

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn thế giới trong suốt năm 2020, gây ra sự đứt gãy nặng nề cho chuỗi cung ứng toàn cầu và được xem là nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư quốc tế suy giảm một cách mạnh mẽ.

Theo ghi nhận của Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 35% xuống chỉ còn 1 nghìn tỷ USD, so với con só 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2019.

Mức tụt giảm ghi nhận chủ yếu ở nhóm các quốc gia phát triển, trong khi dòng vốn vào các nước đang phát triển, đặc biệt là tại khu vực châu Á chứng kiến sự phục hồi kể từ nửa cuối năm 2020. Nghiên cứu vào tháng 11/2020 của UNCTAD cho thấy hoạt động đầu tư FDI tại khu vực châu Á chỉ rơi vào khoảng 12%, riêng Trung Quốc tăng trưởng dương 2,5%. Vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng duy trì ổn định ở mức 133 tỷ USD, đưa quốc gia tỷ dân trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới.

Năm 2020 cũng là thời điểm các quốc gia khu vực ASEAN cũng như Ấn Độ hay Bangladesh có nhiều chính sách nhằm hấp thu dòng vốn dịch chuyển do Covid-19 và thương chiến Mỹ - Trung.

Một xu hướng đáng quan ngại về FDI là mức sụt giảm mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực đầu tư liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo, nông nghiệp…

Đáng chú ý, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới, với tổng vốn 16 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 24.

Mỹ vẫn là nền kinh tế đứng đầu thế giới về thu hút FDI với con số 156 tỷ USD, tụt giảm nặng nề so với số vốn 261 tỷ USD vào năm 2019. Theo sau đó là Trung Quốc với 149 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) với 119 tỷ USD và Singapore với 91 tỷ USD.

UNCTAD dự báo, FDI toàn cầu sẽ tiếp tục chạm đáy vào năm 2021, sau đó dần phục hồi ở mức 10 – 15%. Đến năm 2022, tổng vốn FDI có thể phục hồi hoàn toàn ở mức 1,5 nghìn tỷ USD so với năm 2019.

Mức phục hồi khiêm tốn vào năm 2021 đến từ sự thiếu chắc chắn về khả năng tiếp cận vắc xin cũng như việc các quốc gia vẫn chậm trễ trong việc mở cửa nền kinh tế trở lại.

Châu Á vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, như những gì đã xảy ra trước và trong bối cảnh đại dịch Covid-19. UNCTAD lý giải điều này nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ cũng như sức chống chịu và phục hồi của chuỗi giá trị nội vùng.

Trong bối cảnh mới về đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia có 3 sự lựa chọn để phục hồi chuỗi cung ứng, bao gồm đa dạng hóa đầu tư; linh hoạt hóa hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư dài hạn vào tính bền vững.