Xoá bỏ ngộ nhận về công trình xanh

An Chi - 10:49, 01/08/2022

TheLEADERNhận thức chưa đầy đủ của xã hội và thiếu các chính sách ưu đãi của nhà nước chính là nguyên nhân khiến công trình xanh, sản xuất và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường chưa thực sự phát triển tại Việt Nam.

Xoá bỏ ngộ nhận về công trình xanh
Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường được nhiều khách hàng quan tâm

Ngộ nhận về công trình xanh

Việc phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường từ lâu đã là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, số lượng các dự án công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt con số khoảng 200, với tổng diện tích trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng.

Đáng chú ý, hiện Bộ Xây dựng mới chỉ cấp chứng chỉ năng lượng cho công trình xanh, trong khuôn khổ dự án EECB – UNDP/BXD cho 30 công trình. Tổng các dự án được phát triển và chứng nhận công trình xanh, hiệu quả năng lượng đã thực hiện ở Việt Nam trong hơn 15 năm qua mới chỉ đạt khoảng 155 công trình được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC,WB), Lotus (VGBC). 

Những số liệu này là rất nhỏ so với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam, số lượng công trình được đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Theo TS.KTS Vũ Hoài Đức, mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng nhìn chung việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Nguyên nhân trước hết là do Việt Nam chưa có sự thống nhất về khái niệm “kiến trúc xanh” giữa nghiên cứu, thực hành và quy định pháp luật của nhà nước. 

Trong thời đại quốc tế hóa, hội nhập, trào lưu và thuật ngữ “kiến trúc xanh” vẫn được giới kiến trúc thừa nhận rộng rãi bên cạnh thuật ngữ “công trình xanh”, “công trình có kiến trúc xanh”, bên cạnh khái niệm “công trình sử dụng năng lượng hiệu quả” được pháp luật quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD do Bộ Xây dựng ban hành.

Theo ông Đức, có thể hiểu đơn giản, công trình/kiến trúc xanh là kiến trúc thân thiện với môi trường, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình: từ thiết kế, xây dựng, điều hành, bảo trì, cải tạo cho đến tháo dỡ.

Công trình kiến trúc xanh được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng…

Thách thức của công trình xanh
Hội thảo “Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững”

Quan trọng hơn, Tại Hội thảo “Giải pháp vật liệu xây dựng đáp ứng công trình xanh có kiến trúc bền vững” tổ chức cuối tuần qua, ông Đức cho rằng, thị trường xây dựng trong nước vẫn chưa có sự nhận thức đầy đủ về công trình/kiến trúc xanh do một số ngộ nhận thường gặp.

Thứ nhất, các doanh nghiệp, chủ đầu tư và khách hàng cho rằng, công trình/kiến trúc xanh cần vốn đầu tư lớn. Nhà phát triển dự án bất động sản thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì suy nghĩ chi phí xây dựng ban đầu lớn, thường cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường. 

Trong khi đó, thực tế tình trạng này chỉ xảy ra khi dự án không áp dụng các giải pháp xanh ngay từ những giai đoạn đầu tiên hoặc lựa chọn những giải pháp phức tạp, không hữu ích hoặc có thời gian hoàn vốn dài.

Áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng hoặc thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư. Các giải pháp phức tạp và không cần thiết. Không phải tất cả các giải pháp xanh đều có thể giúp giảm thiểu chi phí cho các tiện ích công trình. Nhiều giải pháp xanh có chi phí cao nhưng lại có thời gian hoàn vốn dài. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2-3 năm.

Thứ hai, quan điểm công trình/kiến trúc xanh chỉ phù hợp với dự án lớn cũng chưa thực sự chính xác. Phần lớn công trình xanh được chứng nhận đều là những công trình cao cấp. Điều đó gây ra hiểu lầm rằng chỉ những dự án lớn, phức tạp và có vốn đầu tư lớn mới có thể đạt chứng nhận công trình xanh.

Trên thực tế có những hệ thống đánh giá có thể áp dụng cho nhiều loại hình công trình. LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) là một ví dụ điển hình. Đây là hệ thống chứng nhận, công cụ quyết định có tính ứng dụng rộng rãi và có thể dùng cho các loại hình dự án đa dạng, áp dụng cho những dự án lớn, và cả những dự án quy mô nhỏ.

Theo ông Đức, chính những ngộ nhận nêu trên đã vô tình gây nên thái độ tiếp nhận còn e dè của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và người mua nhà về các dự án xanh. Để xóa bỏ những ngộ nhận đó, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng, qua đó đẩy mạnh và phát triển hơn nữa ngành xây dựng nói chung và công trình xanh nói riêng.

Doanh nghiệp tự "dò đường"

Bên cạnh việc định nghĩa chưa đầy đủ về công trình xanh trong toàn xã hội, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng, còn có một nguyên nhân khác là do cơ chế chính sách của nhà nước chưa thúc đẩy công trình xanh phát triển. 

Hiện các doanh nghiệp khó tiếp cận những ưu đãi cụ thể về tài chính cho các dự án sản xuất các sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thiếu các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm, vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình,

Mặt khác, nhận thức và sự quan tâm của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đầy đủ. Hiện Chính phủ cũng chưa có quy định bắt buộc đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh.

Theo ông Thịnh, việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm, vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, có tính năng tiết kiệm năng lượng, hiện trên thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm, vật liệu, song nhìn chung, quá trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, sử dụng mới chủ yếu mới chỉ đến từ những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp sản xuất. Hiện còn thiếu các hoạt động mang tính rộng rãi, toàn diện của nhà nước, của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đây cũng là một linh vực còn rất mới mẻ và non trẻ tại Việt Nam, sự tham gia chủ yếu đến từ những doanh nghiệp lớn, có bề dầy kinh nghiệm và uy tín trên thị trường. 

Đơn cử như Công ty Cổ phần Eurowindow, với 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nội thất, đơn vị này đang nỗ lực đưa ra những giải pháp vật liệu mới, tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng trong phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Eurowindow, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục lựa chọn hợp tác với các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các đối tác uy tín hàng đầu thế giới như Kommerling, Giesse, Cmech... cam kết đồng hành cùng chung tay trong việc bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp ngoài ứng dụng các vật liệu có thể tái chế, vật liệu xanh tiết kiệm năng lượng còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Một số giải pháp nổi bật được Eurowindow giới thiệu như cửa nhựa Kommerling có khả năng cách nhiệt vượt trội, cách âm lên tới 45dB; hệ sản phẩm cửa nhôm có cầu cách nhiệt có khả năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30%so với nhôm thông thường, cách âm lên tới 44dB; hệ thống cửa nhận diện khuôn mặt, điều khiển tự động... 

Eurowindow đang hướng tới việc ứng dụng nền tảng internet vạn vật để điều khiển, giám sát, tối ưu công năng, cũng như quản lý hệ thống cửa của toàn bộ công trình để tiết kiệm năng lượng.

Đại diện thương hiệu Saint Gobain tại Việt Nam cũng chia sẻ về câu chuyện thực tế của doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp kính tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Doanh nghiệp này đã tích hợp vật liệu tái chế vào các sản phẩm và giải pháp, điều chỉnh quy trình sản xuất, thực hiện giảm khí thải carbon theo các bước tại nhà máy trong đó tăng cường sử dụng nguyên liệu thủy tinh vụn tái chế, tạo mạng lưới thu gom và giảm chất thải không tái chế.

Đến năm 2030, Saint Gobain hướng tới sử dụng 100% vật liệu tái chế trong đóng gói, sử hơn hơn 30% vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học trên bao bì, giảm 80% chất thải không thu hồi.

Giải pháp chính sách để tận dụng cơ hội

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, phát thải thấp và phát triển vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu của thế giới.

Cùng với áp lực giá cả nguyên vật liệu, năng lượng tăng cao, nguồn cung hạn chế, những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cũng tạo ra những cơ hội để phát triển mạnh các loại sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ công trình xanh, sản xuất, phân phối sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, TS. Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các quy định cùa pháp luật, phát triển hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết lập định mức năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng xanh.

Nhà nước cần hình thành hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển trong thời gian tới và tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nâng cao nhận thức năng lực của toàn xã hội về công trình xanh.

Ở góc độ đào tạo, nghiên cứu và hoạt động xã hội nghề nghiệp, ông Hoà kiến nghị, kiến trúc xanh cần trở thành môn học, ngành học bắt buộc bậc đại học ở Việt Nam. Vai trò của kiến trúc sư tương lai có lẽ không thay đổi ở vị trí “nhạc trưởng” nhưng đòi hỏi sự xuất hiện và tham gia của nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin – tự động hóa.

Việc phát triển lĩnh vực quan trắc đánh giá môi trường kiến trúc cần được hình thành các đơn vị đánh giá chuyên nghiệp (bên thứ ba) cho công trình xanh, bền vững và kiểm soát sau chứng nhận đối với công trình.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu hình thành chứng chỉ hành nghề đặc biệt - như một xác nhận ưu đãi cao cấp đối với các kiến trúc sư, kỹ sư có đam mê và trách nhiệm khi theo đuổi kiến trúc xanh.

Trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về kiến trúc, các quy định cũng cần rõ ràng về các loại công trình nhất thiết phải đảm bảo yêu cầu kiến trúc xanh… và các các công sở nhà nước phải là loại hình tiên phong trong xu thế này.

Đặc biệt, theo ông Hoà, Chính phủ cần quan tâm đến việc nghiên cứu – phát triển lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng vật liệu tái chế, vật liệu không nung, vật liệu địa phương trong xây dựng nhằm tạo động lực cho công trình xanh phát triển mạnh mẽ.