Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhờ CPTPP

Minh Anh - 15:11, 24/09/2020

TheLEADERTheo Bộ Công thương, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao thị phần tại thị trường các nước đối tác CPTPP.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhờ CPTPP
Năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. 

Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. 

Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canađa và Mêxicô thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. 

Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới (các nước khác trong khối ta đã FTA trước đó nên tác động không rõ ràng bằng). Xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%. 

Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Canada (1,6%).

Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD.

Đáng chú ý, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%). 

Bộ Công thương đánh giá, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Tương tự như CPTPP, đối với Hiệp định EVFTA, dù mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan. 

Theo đó, sau khi có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong tháng 8 vừa qua, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan.

Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi hai hiệp định quan trọng là CPTPP và EVFTA, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi hiệp định, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiệp định EVFTA, trong thời gian tới, trên cơ sở các kiến nghị và giải pháp đã trình bày đối với Hiệp định CPTPP.