Có nên đốt rác phát điện?

Phạm Sơn - 10:55, 01/08/2022

TheLEADERTheo TS. Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), đốt rác nói chung và đốt rác phát điện nói riêng không phải giải pháp hiệu quả.

Có nên đốt rác phát điện?
Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Lao động.

Sáng 25/7, nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã chính thức vận hành giai đoạn 1. Đây là nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất 75MW, trong đó 15 – 20% được giữ lại phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy, phần còn lại hòa lưới điện quốc gia.

Trong giai đoạn 1, 1 tổ máy và 1 lò đốt được vận hành, dự kiến tiếp nhận và xử lý khoảng 1 nghìn tấn rác thải tươi mỗi ngày. Ở các giai đoạn sau, 4 lò đốt nữa sẽ tiếp tục được vận hành.

Khi đi vào hoạt động đầy đủ, nhà máy dự kiến xử lý khoảng 5 nghìn tấn rác mỗi ngày, tương đương với khoảng 60 – 70% lượng rác thải đang chôn lấp tại Hà Nội. Vì vậy, nhà máy được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực giải quyết tình trạng rác thải rắn ngày càng quá tải tại Thủ đô.

Một điểm đặc biệt của nhà máy điện rác Sóc Sơn, theo đại diện Công ty CP Môi trường Thiên Ý, là nhà máy này sử dụng công nghệ mới của Bỉ là đốt rác hỗn hợp không qua phân loại. Tuy nhiên, việc phân loại rác sẽ giúp giảm tỷ lệ chất không đốt được, giúp nhà máy hoạt động hiệu quả hơn.

Trước đó, vào cuối tháng 3, tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội), nhà máy điện rác Seraphin chính thức được khởi công, với công suất phát điện dự kiến là 37MW, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy Seraphin sẽ tiêu thụ khoảng 1.500 – 2.000 tấn rác mỗi ngày.

Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện. Tại TP.HCM, 3 nhà máy đốt rác phát điện được khởi công vào năm 2019, được kỳ vọng sẽ xử lý khoảng 6 nghìn tấn rác mỗi ngày.

Tại Hải Phòng, mới đây, Thường trực thành ủy đã chấp thuận chủ trương xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại quận Hải An với công suất xử lý 2 nghìn tấn rác mỗi ngày. Ngoài ra, khu xử lý rác thải Trấn Dương tại huyện Vĩnh Bảo cũng đang được xem xét xây nhà máy điện rác.

Đốt rác phát điện đang là giải pháp được đánh giá là phù hợp với hiện trạng nhiều địa phương trên cả nước, với những ưu điểm như ít tro xỉ, phụ phẩm sau đốt tận dụng được làm gạch không nung, nhiệt độ lò đốt cao hạn chế khí thải dioxin và furan…

Có nên đốt rác phát điện?

TS. Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), cho biết, xử lý rác thải bằng hình thức đốt là điều rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Tại nhiều nơi, từ thành thị tới nông thôn, người dân vẫn thu gom rác để “đốt đi cho sạch”.

Sau này, nhiều hình thức đốt rác khác đã được ứng dụng, có thể kể đến như đốt trong lò thông thường; đốt lò nung xi măng; đốt rác phát điện… Trong đó, đốt rác phát điện, với những ưu điểm nêu trên, đang được nhiều địa phương lựa chọn.

Tuy nhiên, theo bà Xuân, đốt rác nói chung và đốt rác phát điện nói riêng không phải là giải pháp bền vững. Lý giải cho nhận định này, bà Xuân đưa ra 3 lý do.

Thứ nhất, các lò đốt rác là nguồn phát sinh khí thải nhà kính cùng nhiều loại khí độc hại. Ở nhiệt độ dưới 850 độ C, việc đốt rác tạo ra khí thải dioxin và furan là những loại khí rất độc, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người.

Thực tế, các lò đốt rác phát điện duy trì nhiệt độ khoảng trên 1.000 độ C để hạn chế phát sinh khí dioxin và furan. Tuy nhiên, bà Xuân cho biết không thể duy trì mức nhiệt độ cao này liên tục. Vào những thời điểm tắt, mở hay bảo trì lò đốt, nhiệt độ có thể hạ xuống mức nguy hiểm.

Thứ hai, chi phí xây dựng các nhà máy đốt rác và đốt rác phát điện khá lớn. Tuy nhiên, các nhà máy đốt rác hoạt động không hiệu quả dẫn đến hiện tượng bỏ hoang tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Thứ ba, đốt rác và đốt rác phát điện không khuyến khích phân loại, tái chế rác thải, do đó sẽ cản trở ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo bà Xuân, lò đốt rác phát điện, nếu muốn đạt hiệu quả, trung bình phải đốt khoảng 1 nghìn tấn rác mỗi ngày.

Như vậy, các địa phương thường phải ký hợp đồng cung cấp đủ ít nhất 1 nghìn tấn rác mỗi ngày cho nhà máy điện rác. Tại một số địa phương, ví dụ như Đà Nẵng, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày chỉ đạt khoảng hơn 1 nghìn tấn, nếu đem đi đốt hết sẽ lãng phí cả nguồn rác thải có giá trị tái chế cao.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, bà Xuân cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới, sau một thời gian vận hành các nhà máy đốt rác phát điện đã phải thừa nhận đây là nguồn năng lượng đắt đỏ và không phải giải pháp tối ưu, có thể kể đến như Mỹ hay Singapore.

Đối với bài toán quản lý chất thải rắn, bà Xuân đề xuất thực hiện theo thứ tự ưu tiên những giải pháp mang tính phòng ngừa như từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, sau đó mới đến các giải pháp tái chế, ủ phân sinh học. Đốt và chôn lấp rác thải là những giải pháp kém bền vững nhất.