World Bank: Cần đặc biệt quan tâm tới sản xuất công nghiệp và bán lẻ

Nhật Minh - 10:00, 13/06/2021

TheLEADERNgoài sản xuất và bán lẻ, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về xuất khẩu hàng hóa lẫn cam kết FDI sau đợt dịch Covid-19 mới nhất.

Trong cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất, World Bank (Ngân hàng thế giới) nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, đợt bùng phát Covid-19 đã làm số ca nhiễm tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam vào năm ngoái.

Các biện pháp nghiêm ngặt trong hạn chế di chuyển đã được áp dụng, bao gồm cả ba thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Một số nhà máy và khu công nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh – hai trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền Bắc – buộc phải đóng cửa.

Sản xuất công nghiệp được nhận định thể hiện khả năng chống chịu tổng thể đáng chú ý, thông qua chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn chỉ số PMI.

Tuy nhiên, World Bank lưu ý rằng những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương. 

Nguyên nhân là vì hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, từ đó có thể làm giảm sản lượng trong những tuần tới.

Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang trong tháng 5/2021 giảm gần 41% so với tháng trước và hơn 33% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử lần lượt giảm gần 54% và gần 47%.

Về bán lẻ, sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại với 3,1% so với tháng trước trong tháng 5.

Sự sụt giảm này do nhu cầu trong nước yếu đi vì Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.

Theo World Bank, những hạn chế này có tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ vì doanh số của ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm 8,9% so với tháng trước, so với hàng hoá (giảm 1,7% so với tháng trước).

Mặc dù nền kinh tế dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ tư, một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn.

Hầu hết các chỉ số di chuyển, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn, đã giảm mạnh và đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược như điện tử và xây dựng.

Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI.

“Các diễn biến này cần được theo dõi chặt chẽ trong những tuần tới”, World Bank khuyến nghị.

Điểm tích cực là Chính phủ đã củng cố dư địa tài khóa. Vì vậy, có thể xem xét chuyển sang chính sách tài khóa thích ứng hơn bằng việc hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trong nước.